Lớn lên ở Sài Gòn, ra bờ sông Sài Gòn mua mía ghim ăn hoài, mà giờ mới biết sông nằm ở phía đông của “Hòn ngọc Viễn Ðông”! Cái tên Sài Gòn “dầu do tiếng nào phiên âm ra” thì bây giờ cũng đã ra khỏi địa để đi vào... cổ sử rồi. (Thu Tứ) Địa danh Sài Gòn (...) gồm hai thành phố Sài Gòn và Chợ Lớn nhập một từ năm 1956; đông giáp sông Bến Nghé (tức sông Sài Gòn), tây giáp rạch Lò Gốm, nam giáp kinh Bến Nghé và kinh Tàu Hủ, bắc giáp rạch Thị Nghè; diện tích: 52 cây số vuông; dân số: trên hai triệu người. Có nhiều giả thuyết về nguồn gốc địa danh này: (1) Trước tiên, có tên là Sài Côn, tiếng phiên âm của tiếng Prei-kor (rừng cây bông gòn) hoặc của tiếng Prei-Nokor (đô lâm, thành lâm hay hoàng lâm), nguyên là tư dinh của Phó vương Cao Mên, thuộc vùng Chợ Lớn, lối chùa Cây Mai. (2) Nơi đây, năm 1778, người Minh hương từ Cù lao Phố (Biên Hòa) rút về, xây bờ gạch cao dọc theo kinh Tàu Hủ để ngăn nước, nên được người Tàu gọi là Thày Ngòn (tức Ðê Ngạn); do tiếng Thày Ngòn nầy, người Pháp phiên âm ra Saigon, lại gọi cách sát nhập cả phía Gia Ðịnh thành; còn chỗ có tên Sài Côn hay Thày Ngòn (Ðê Ngạn) lại gọi là Chợ Lớn. (3) Thuyết này cho Sài Côn hay Sài Gòn là tiếng phiên âm của chữ Tây Cung là vòng thành của Phó vương Cao Mên, đối chiếu với Ðông Phố là tư dinh của quan kinh lược Việt Nam. (4) Sài Côn hay Sài Gòn cũng đều là tiếng phiên âm của hai chữ Tây Cống, có nghĩa là nơi nhận cống lễ của các đời vua Cao Mên dâng cho vua Việt Nam. Như vậy, dầu do tiếng nào phiên âm ra, Sài Gòn khi xưa là Chợ Lớn ngày nay. Còn Sài Gòn (ý nói chỗ sau này là Sài Gòn) từ năm 1789 tới 1861 là Gia Ðịnh thành (...) Tên Sài Gòn có từ năm 1861 là năm Pháp đặt nền hành chánh tại đó để khống chế cả miền Nam. Ðến năm 1931, Pháp mới nhập thành phố Chợ Lớn về Sài Gòn và gọi chung là Ðịa phương Sài Gòn - Chợ Lớn; năm 1954, do dụ Bảo Ðại ngày 30 tháng 5, Ðịa phương Sài Gòn - Chợ Lớn đổi raÐô thành Sài Gòn - Chợ Lớn; từ năm 1956, do sắc lịnh ngày 22 tháng 10 của Tổng thống (Ngô Ðình Diệm), Ðô thành Sài Gòn - Chợ Lớn được đổi lại là Thủ đô Sài Gòn (...) (Việt Nam tự điển, Lê Văn Ðức cùng một nhóm văn hữu soạn, Lê Ngọc Trụ hiệu đính, nxb. Khai Trí, Sài Gòn, 1970) |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét