Nguyên bản ở Facebook
ĐỘC GIẢ:
Đầu cành quyên nhặt, cuối trời nhạn thưa
(Kiều, câu 556)
Dưới trăng quyên đã gọi hè (Kiều, câu 1307)
Chim “quyên” là chim gì và con chim quyên trong hai câu trên đây có phải là một hay không?
AN CHI: Ông Nguyễn Quảng Tuân cho rằng đó là hai thứ chim khác nhau còn phần lớn các nhà chú giải thì lại cho rằng đó chỉ là một. Theo nhiều người, đó là con cuốc, tức con quấc (Bùi Kỷ và Trần Trọng Kim, Trúc Viên Lê Mạnh Liêu, Nguyễn Thạch Giang), còn theo Đào Duy Anh thì đó là con chim tu hú: “Chim đỗ quyên, vốn là chim tu hú, hay kêu về mùa hè. Ở nước ta nhiều người lộn nó với chim cuốc cũng kêu về mùa hè, do tiếng nó kêu “quốc quốc” mà liên hệ với điển Vọng-đế chết hóa thành chim đỗ quyên” (Từ điển Truyện Kiều, Hà Nội, 1974, tr.322).
Chúng tôi tán thành Đào Duy Anh vì cũng cho rằng quyên là chim tu hú chứ không phải chim cuốc. Con cuốc, tiếng Hán gọi là phiền 鷭 hoặc cô ác 姑惡 , không liên quan gì đến tích vua Vọng Đế của nước Thục là Đỗ Vũ. Chỉ có con quyên mới thực sự liên quan đến sự tích của ông vua này nên đã “ăn theo” họ của ông ta mà được gọi là “đỗ quyên”, thậm chí còn “ăn theo” cả họ lẫn tên mà được gọi là “đỗ vũ”; về sau lại có thêm các tên gọi khác nữa là: tử quyên, tử quy, tử huề, tư quy và thôi quy. Nhưng tên gốc của nó thì vẫn chỉ là quyên còn tên thông dụng là đỗ quyên. Mathews’ Chinese-English Dictionary dịch đỗ quyên 杜鵑 là “the cuckoo” còn Dictionnaire classique de la langue chinoise của F.S. Couvreur thì dịch là “coucou”. Từ điển song ngữ Anh Việt hoặc Pháp Việt thường dịch cuckoo hoặc coucou thành chim cu cu. Thực ra, đây chính là con chim tu hú, đúng như quyển Danh từ khoa học của Đào Văn Tiến (Minh Tân, Paris, 1950) đã dịch. Coucou (Pháp), cuckoo (Anh), tiếng Nga là kukushka. Russko-kitayskiy slovar của L.Z. Orlikov (Moskva, 1951) dịch kukushka là “đỗ quyên”. Nga Hán đại từ điển do Lưu Trạch Vinh chủ biên (Bắc Kinh, 1962) cũng dịch y hệt như thế. Từ điển Nga Việt của K.M. Alikanov, V.V. Ivanov và I.A. Malkhanova (Moskva, 1977) đã dịch kukushka là “(chim) tu hú”. Từ điển Việt Hán của nhóm Hà Thành, Trinh Ngọa Long (Bắc Kinh 1960) dịch tu hú là “đỗ quyên điểu”. Con chim này thuộc họ cuculidés; danh từ này đã được quyển Danh từ khoa học của Đào Văn Tiến dịch là “họ chim đỗ quyên”. Bấy nhiêu bằng chứng tưởng cũng đủ tỏ rằng đỗ quyên là con chim tu hú. Nhưng chúng tôi còn muốn nêu thêm một bàng chứng rất có ý nghĩa nữa như sau. Hình mà ông Nguyễn Quảng Tuân đưa ra để minh họa con chim tu hú ở trang 184 của quyển Chữ nghĩa Truyện Kiều (Hà Nội, 1990; tái bản 1994) giống hệt hình mà Cao Thụ Phiên đưa ra để minh họa con chim đỗ quyên ở trang 671 của quyển Hình âm nghĩa tổng hợp đại tự điển (Đài Bắc, 1974). Hình này lại xuất hiện ở trang 104 của quyển Truyện Kiều do Nguyễn Quảng Tuân khảo đính và chú giải (Nxb KHXH, 1995) cũng để minh họa con chim đỗ quyên. Điều này gián tiếp nói rằng đỗ quyên đích thị là con chim tu hú.
Tiếc rằng ông Nguyễn Quảng Tuân lại không thừa nhận tu hú là tên tiếng Việt của con chim đỗ quyên. Ông viết:
“Vì không biết chim quyên là loại chim gì nên mọi người mới đoán quanh là con cuốc hoặc con tu hú và mới cho rằng Nguyễn Du dùng chữ “đầu cành” chưa được chỉnh (ý nói con cuốc không sống trên cây – AC).
“Sự thực thì chim quyên là một giống chim khác hẳn với chim cuốc và chim tu hú.
“Chim quyên 鶰 có tên khoa học là Acredula trivirgata, là một loài chim hay hót, có đuôi dài, đầu lông sắc trắng, trên lưng lông màu đen, dưới bụng lông màu trắng, hai cánh lông màu trắng hoặc lốm đốm trắng, mùa hè ở trên núi rừng, mùa thu bay thành đàn xuống đồng bằng, thích ăn sâu bọ và hay hót.
“Nguyễn Du ở đây (câu 566 – AC) tả cảnh cuối hè sang thu tức là đúng vào thời gian chim quyên bay từng đoàn từ trên rừng núi xuống đồng bằng và kêu hót ở đầu cành (đầu cành quyên nhặt).
“Trái lại con quyên gọi vào hè thì con quyên đó là con cuốc như Nguyễn Du đã nói đến trong câu 1307: Dưới trăng quyên đã gọi hè.
“Chúng ta phải nhận định rõ ràng nếu không sẽ dễ nhầm lẫn:
“Chim quyên, hót ban ngày, đậu trên cành cây, hót rất nhiều về mùa thu.
“Con đỗ quyên, ta quen gọi con cuốc, kêu về đêm, thường lủi ở bờ nước trong bụi rậm, kêu về mùa hè”.
(Chữ nghĩa Truyện Kiều, tr.184-185).
Thực ra thì chính Nguyễn Quảng Tuân đã nhầm lẫn khi ông đánh đồng chữ 鶰 với chữ 鵑. Chữ trước, do ông đưa ra, đọc là viên, còn chữ sau, là chữ mà Nguyễn Du đã dùng, thì mới đọc là quyên. Vì chữ 鶰 không phải là chữ mà Nguyễn Du đã dùng nên con Acredula trivirgata, tức con chim “hót ban ngày, đậu trên cành cây, hót rất nhiều về mùa thu”, không có liên quan gì đến câu 566 của Truyện Kiều. Có lẽ do đã phát hiện ra điều này nên đến khi khảo đính và chú giải quyển Truyện Kiều (Nxb KHXH, 1995), Nguyễn Quảng Tuân đã không còn nhắc đến con Acredula trivirgata nữa. Và ông đã nhận rằng “chim quyên tức đỗ quyên” (X. sđd, tr.103). Ông đã giữ nguyên tên mà không đối dịch nhưng, như chúng tôi đã chứng minh, đỗ quyên chính là con chim tu hú.
Tại sao Nguyễn Quảng Tuân phải viện dẫn đến chữ 鶰 (viên)? Là vì ông đã phát hiện ra rằng con viên “hót rất nhiều về mùa thu” mà theo ông thì câu 566 lại “tả cảnh cuối hè sang thu” (còn con “quyên” chính cống thì lại hót vào mùa hè). Nguyễn Thạch Giang cũng cho rằng “câu này tả cảnh cuối hè sang thu” (Truyện Kiều, khảo đính và chú thích, Hà Nội, 1972, tr.387). Chúng tôi ngạc nhiên về sự khẳng định này vì đây thực ra lại là cảnh cuối xuân sang hè. Thời gian trong lời kể chuyện của Nguyễn Du cũng bắt buộc ta phải kết luận như thế.
Lấy câu 370 làm điểm khởi đầu và câu 566 làm điểm kết thúc cho mạch văn, ta sẽ dễ dàng thấy rằng từ lúc:
“Thưa hồng rậm lục đã chừng xuân qua” (câu 370)
cho đến lúc
“Đầu cành quyên nhặt, cuối trời nhạn thưa”
(câu 566),
thì thời gian trôi qua chưa hết hai ngày một đêm. Thật vậy, câu 370 tả tiết trời trước và trong ngày mà cha mẹ và hai em của Kiều đi mừng “sinh nhật ngoại gia” còn câu 566 thì tả tiết trời và cảnh vật vào giờ ngọ của ngày hôm sau, lúc gia đình Kiều vẫn còn chưa về đến nhà. Chưa đầy hai ngày một đêm thì làm sao xuân vừa mới qua (đã chừng xuân qua) mà đã có thể là “cuối hè sang thu”?
Các nhà chú giải đó có lẽ đã căn cứ vào vế sau của câu thơ (cuối trời nhạn thưa) nên mới khẳng định như thế! Nhưng xin nói rằng nhạn là một giống chim di cư mỗi năm có hai hướng bay: Bắc-Nam trong mùa thu rồiø Nam-Bắc trong mùa xuân. Trong mùa thu, chúng phải rời vùng ôn đới Bắc bán cầu mà bay đến phương Nam để tránh mùa đông còn trong mùa xuân thì chúng lại rời vùng nhiệt đới phương Nam mà bay về phương Bắc để sinh sản trong mùa hè. Vế sau của câu 566 tả cảnh những con nhạn cuối cùng đang bay về phương Bắc. Bầy đàn đông đúc của chúng đã về đến nơi trong mùa xuân rồi mà chúng còn lẻ tẻ và lẹt đẹt chưa bay về đến trong khi trời đã sang hè. “Cuối trời nhạn thưa” là như thế. Tóm lại, con nhạn không chỉ là dấu hiệu của mùa thu mà cịn của cả mùa xuân, tùy theo hướng bay của nó. Đó là một giống hậu điểu “thu Nam lai, xuân Bắc khứ”. Các nhà chú giải vì không căn cứ vào thời gian thực tế trong lời kể của tác giả để đoán định nên mới cho rằng “cuối trời nhạn thưa” là dấu hiệu của mùa thu. Thực ra, nếu đang độ thu thì chúng bay theo đàn đông đúc (một đàn nhạn đông đến hàng ngàn con) chứ làm gì có được cảnh “nhạn thưa”. Chỉ những con cuối cùng mới còn lẻ tẻ, và lẹt đẹt bay từ Bắc xuống Nam khi trời đã cuối thu hoặc chớm đông.
Tóm lại, cảnh trong câu 566 là cảnh cuối xuân đầu hè chứ không phải cuối hè sang thu. Vậy ta có thể yên tâm khẳng định rằng quyên là một giống chim kêu vào mùa hè (chứ không phải là con “viên” kêu vào mùa thu) và đó là con chim tu hú (chứ không phải con cuốc như nhiều người đã hiểu). Trong cả câu 566 lẫn câu 1307 thì con chim đó là con đỗ quyên chứ không phải chỉ là con đỗ quyên ở câu 566 còn ở câu 1307 thì lại là con cuốc như Nguyễn Quảng Tuân đã phân tích. Mối bận tâm của ông là ở chỗ: con cuốc kêu vào mùa hè và nhất là kêu vào ban đêm nên mới thích hợp với thời khắc (dưới trăng = ban đêm) và thời tiết (gọi hè) nói đến trong câu này. Nhưng chẳng có lẽ con đỗ quyên lại không kêu vào mùa hè?
Lời chú trong sách Quảng sư loại có nói rằng “đỗ quyên xuân tắc minh, chí hạ vưu thậm” (dẫn theo Thúy Kiều truyện tường chú, Chiêm Vân Thị chú đính, Trúc Viên Lê Mạnh Liêu phiên dịch và phụ chú, q.hạ, Sài Gòn, 1974, tr.11 chth.22), nghĩa là “mùa xuân thì tu hú kêu, vào hè càng kêu dồn”. Và chẳng có lẽ nó lại không kêu vào ban đêm? Hiêïn đại Hán ngữ từ điển (Thương vụ ấn thư quán, Bắc Kinh, 1992) nói rõ rằng con đỗ quyên “vào đầu mùa hè thì thường ngày đêm kêu không ngớt” (sơ hạ thời thường trú dạ bất đình địa khiếu).
Chú giải mà không căn cứ chặt chẽ vào mạch văn và cốt truyện, chỉ chăm chú một chiều vào từ điển thì khó lòng mà hoàn toàn chính xác!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét