ĐỘC GIẢ: Xin giải thích câu “Ăn vóc học hay”. “Vóc” là gì?
AN CHI: Từ điển thành ngữ và tục ngữ Việt Nam của Nguyễn Lân (Hà Nội, 1989) giảng:vóc “là từ cũ có nghĩa là ít” và “ăn vóc học hay” là “ăn ít nhưng học giỏi” (X. tr.19). Việt-Nam tự điển của Lê Văn Đức và Lê Ngọc Trụ giảng: “Ăn cho nên vai nên vóc thì học cũng phải cho nên người”. Kể chuyện thành ngữ tục ngữ của Viện ngôn ngữ học do Hoàng Văn Hành chủ biên (Hà Nội, 1994) giảng: “Trong câu tục ngữ này các từ vóc và hay là những từ khó hiểu, cần được làm sáng rõ. Trước hết, hay trong học hay có nghĩa là giỏi (...). Vìhay là một tính từ nên vóc, từ đối ứng với nó cũng phải là một tính từ. Tuy vậy, trong văn học dân gian và các truyện Nôm, vóc thường xuất hiện với nghĩa danh từ để chỉ thân thể, dáng hình của con người, chẳng hạn, vóc ngọc mình vàng, lớn người to vóc,vóc sương, vóc bồ liễu... Với ý nghĩa này, vóc không tương ứng với hay trong học hay. Nhưng có lẽ trong tiếng Việt, vóc đã được chuyển nghĩa từ chỗ chỉ thân thể sang chỉ đặc tính khỏe mạnh của con người, chẳng hạn, có vóc được dùng để chỉ “sự cao lớn chắc chắn”, vóc dạc chỉ hình tích cao lớn. Do đó, câu tục ngữ ăn vóc học hay được hiểu là ăn khỏe, học hành giỏi giang” (Sđd, tr.62). Đặc biệt, trong bài viết “Câu đối, nội dung của nó” (trong: Phan Ngọc, Cách giải thích văn học bằng ngôn ngữ học, Nxb Trẻ, TP.HCM, 1995, tr.75-99), Phan Ngọc phân tích: “Bây giờ thử áp dụng ngữ pháp đối xứng để giải mã các thành ngữ, tục ngữ (có hai vế song song và có số tiếng ngang nhau – AC). Một khi đã theo ngữ pháp đối xứng thì kiến trúc vế này sẽ in hệt như kiến trúc của cái vế đối xứng với nó. Thí dụ, ta muốn giải mã thành ngữ “Ăn vóc học hay”. Kiến trúc “Ăn vóc” sẽ có quan hệ ngữ pháp hệt như “học hay”. Nhưng kiến trúc “Vị-Bổ” chỉ áp dụng cho “Ăn vóc” mà không thể nào áp dụng cho “Học hay” được. Kiến trúc “Vị-Trạng” có thể áp dụng cho “Học hay” nhưng lại không thể nào áp dụng cho “Ăn vóc” được. Cứ như thế, cuối cùng ta phải đến kiến trúc “Vị-Vị”. Nói khác đi, trong thành ngữ này cả bốn chữ đều là vị ngữ cả, một điều không thể thấy ở trong ngữ pháp của ngôn ngữ thông thường. Mà khi đã giải mã ngữ pháp này rồi thì câu này có nghĩa như sau: Phải ăn thì mới có vóc (thân hình to lớn), phải học thì mới tài giỏi được (...) Kiến trúc vị ngữ - vị ngữ là rất khó hiểu, nhưng chính vì khó hiểu mà làm bá chủ trong thành ngữ để cấp cho thành ngữ sắc thái ngôn ngữ của thần linh. Chả lẽ thần linh lại nói năng bình thường như dân trần tục chúng ta sao?” (Bđd, tr.90-91). Chúng tôi không tin rằng cá nhân hoặc cộng đồng đã lựa chọn – nhiều thành ngữ vốn là những cụm từ tự do rồi về sau mới được cố định hóa trong từ vựng theo lựa chọn – hoặc sáng tác những thành ngữ bốn tiếng mà Phan Ngọc cho là có cấu trúc “Vị-Vị // Vị-Vị” lại muốn tự biến mình thành những thầy phù thủy bằng cách cấp cho chúng sắc thái ngôn ngữ của thần linh. Họ càng không muốn làm chúng trở nên khó hiểu bằng cách biến chúng thành những giáo điều của một thứ học thuyết hoặc tôn giáo bí truyền. Tục ngữ, thành ngữ có chức năng truyền tải những nguyên tắc và phương châm ứng xử, những kinh nghiệm sống và sản xuất hoặc – đối với thành ngữ – những nhận định có giá trị phổ biến về tính cách của con người và thế giới chung quanh qua các thế hệ. Chẳng ai dại gì “nhiễu sự văn chương” để biến chúng thành những câu thần chú bí hiểm vì một lý do đơn giản là nếu không ai hiểu thì cũng chẳng ai làm theo.Vậy những thành ngữ hữu quan không phải là khó hiểu ngay từ đầu mà chỉ trở nên khó hiểu theo thời gian. Chỗ khó hiểu của chúng: một là với thời gian, một số trong những tiếng cấu thành chúng đã trở thành những từ cổ; hai là chúng đã bị tách khỏi hoàn cảnh lịch sử - xã hội trong đó chúng ra đời và ba là chúng đã bị từ nguyên dân gian làm cho méo mó.Phan Ngọc đã mặc nhận rằng vóc là danh từ (nên mới có khả năng làm bổ ngữ cho động từ ăn) và rằng đó là một thành tố của các từ ghép đẳng lập: sức vóc, vóc dáng,tầm vóc, v.v.. Ông đã chú nghĩa cho nó ở đây là “thân hình to lớn”. Chúng tôi thì cho rằngvóc là tính từ và đây là một từ Việt gốc Hán bắt nguồn ở một nguyên từ ghi bằng chữ 郁 mà âm Hán Việt thông dụng hiện đại là úc nhưng âm chính thống lại là vúc vì thiết âm của nó là “vu cúc thiết”. Úc (vúc) là thơm, ngon; úc (vúc) liệt là thơm nức (X. thêm các từ ghép uất úc, úc phức, phân úc, v.v. trong từ điển); vậy vóc có nghĩa là thơm, ngon. Còn về mặt tương ứng âm vị thì úc (vúc) ~ vóc là hoàn toàn bình thường vì uc ~ oc còn được tìm thấy qua nhiều cặp khác nữa, chẳng hạn: - (uẩn) khúc ~ (hiểm) hóc; (Nhân)Mục (địa danh) ~ (làng) Mọc; (cực) nhục ~ (cực) nhọc; túc 粟 (hạt lúa) ~ thóc (gạo);trục 躅 (không dứt đi được) ~ (trằn) trọc, v.v..Tóm lại, vóc có nghĩa là thơm, ngon và “ăn vóc học hay” chỉ đơn giản có nghĩa là ăn ngon học giỏi. Cấu trúc cú pháp của thành ngữ này giống hệt của các thành ngữ: ăn ngon mặc đẹp, ăn ngon ngủ yên, ăn không ngồi rồi,ăn gian nói dối, ăn thật làm dối ,v.v.. Nghĩa là nó gồm hai từ tổ động từ sóng đôi mà mỗi từ tổ gồm một động từ và một tính từ làm trạng ngữ cho nó. Nếu quan niệm vóc là danh từ như Phan Ngọc đã hiểu thì thế đối sẽ tức khắc trở thành chệch choạc và hiện tượng này cũng xung khắc với lý thuyết của chính ông. Thật vậy, Phan Ngọc đã cho rằng thành ngữ ăn vóc học hay “là tế bào của mọi hình thức nghệ thuật cổ xưa” với ba đặc điểm quan trọng: một là sự đối lập bằng trắc; hai là hiện tượng vần lưng mà ông gọi là vần chuỗi và ba là sự ăn khớp nhau theo nguyên lý nặng nhẹ (X. bđd, tr. 91-92). Về đặc điểm sau cùng này, Phan Ngọc giải thích:“Cha ông ta không phân biệt từ loại như chúng ta, nhưng chia từ thành nặng, nhẹ (...) Đối xứng theo nặng nhẹ tức là nặng đối với nặng chứ không đối với nhẹ (mà cũng không đối với hơi nặng – AC).Thực hay nặng tương đương với danh từ và đại từ nhân xưng. Hư hay nhẹ tương đương với thán từ (ru, nhỉ, nhé...), với những từ chỉ liên hệ (thì, và, với...) và những từ bổ nghĩa cho động từ (đã, sẽ, chẳng...).Bán thực hay hơi nặng tương đương với động từ và tính từ. Bán hư hay hơi nhẹ tương đương với từ chỉ trạng thái và những từ láy âm. (...) Cha ông ta phân biệt rành mạch danh từ với động từ, nhưng lại không phân biệt động từ với tính từ đơn tiết” (Bđd, tr.93).Từ sự giải thích của Phan Ngọc mà suy ra thì động từ và tính từ hợp thành lớp bán thực từ, phân biệt hẳn với danh từ thuộc lớp thực từ. Hai lớp này không thể đối với nhau. Điều này đúng với truyền thống nghệ thuật đối xưa nay là chưa từng có câu đối chỉnh nào, càng không có câu đối hay nào, mà danh từ của câu này lại đối với tính từ của câu kia. Vậy làm thế nào mà vóc trong “ăn vóc học hay” có thể là danh từ trong khi, đối lại với nó, hay lại là một tính từ? Chính vì thấy chỗ bất hợp lý của việc xem vóc là danh từ cho nên KCTNTN của VNNH mới khẳng định rằng đó là một tính từ (nhưng lại không thỏa đáng trong việc “đoán nghĩa” của nó). Còn Nguyễn Lân thì cũng mặc nhận rằng vóclà tính từ (nên mới giảng nghĩa là “ít”) Tóm lại, theo chúng tôi, vóc là tính từ; đó là một từ cổ, có nghĩa là thơm, ngon. Và ăn vóc học hay có nghĩa là ăn ngon học giỏi (cùng một kiểu cấu trúc với ăn ngon mặc đẹp, ăn ngon ngủ yên, v.v.).
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét