Chủ Nhật, 11 tháng 3, 2012

Từ tẩy chay xuất hiện trong tiếng Việt khi nào?


Từ tẩy chay xuất hiện trong tiếng Việt vào đầu thế kỷ 20 cùng lúc với phong trào dân ta từ Nam ra Bắc đùng đùng rủ nhau không mua bán, giao dịch với Hoa kiều. Thượng Chi tức Phạm Quỳnh tường thuật trên Nam Phong Tạp Chí số 27 (1919:226-227) như sau:
Trong khoảng một tháng nay, tiếng An-nam ta mới tăng thêm được một tiếng mới, giọng đọc lơ-lớ như tiếng nước người, mà gióng-giả mạnh-bạo như câu hiệu-lệnh, trong giây-phút truyền khắp cỗi nước Nam. Tiếng ấy là gì? Tiếng ấy là tẩy chay. Tẩy chay ! Tẩy-chay ! miệng người An-nam nào từ Nam chí Bắc cũng chỉ thấy nói một tiếng ấy, như tụng một câu Na-mô của một tôn giáo mới nào. Vậy thời “tẩy-chay” là gì? “Tẩy-chay” là tiếng khách Quảng-đông đọc hai chữ để-chế 抵  制  : “để-chế” nghĩa là kháng-cự kẻ nghịch kẻ thù mình, tức là tuyệt-giao với kẻ mình không ưa, nhất là về đường giao-dịch buôn-bán. Đó là nghĩa chung; cứ cái nghĩa riêng của chữ để-chế thời là đồng lòng nhau không mua đồ hàng của người mình ghét. Chữ để-chế người An-nam ta dùng trong một tháng nay là dùng theo cái nghĩa riêng ấy.
Nguyên nhân trực tiếp của sự việc, vẫn theo Thượng Chi (1919:227), là:
Cái cận-nhân thì ở việc một chú Chiệc kia bán cà-phê cho đồng-bào ta tại Sài-gòn, bỗng-dưng ma ám qui xui tăng giá chén cà-phê lên hai su mà khởi ra cái lòng công-phẫn của cả một dân đối với người Tàu. Nguyên-nhân nhỏ-mọn như thế, mà kết-quả to-lớn như vậy, người không biết cũng lấy làm lạ thay.
Ly cà phê đang từ hai xu vọt lên bốn xu, kể cũng hơi quá đáng, nhưng đó chẳng qua chỉ là cái tàn lửa làm bùng nổ thùng thuốc súng, tức cái nguyên nhân sâu xa khiến cho dân Nam hằn học với Hoa-kiều “là ở cái thế-lực to-tát quá chừng của người Tàu đã chiếm được trong trường kinh-tế ở nước ta” (Thượng Chi, 1919:227)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét