Từ điển không có măng xông, chỉ có măng sông (Lê Văn Đức, 1970b:893; Nguyên Tử Lực Cuộc, 1970:221; Nguyễn Như Ý, 1999:1101; Nguyễn Kim Thản, 2005:1031). Trên thực tế xưa nay, trong Nam cũng như ngoài Bắc, từ trong nước ra đến hải ngoại, người ta dùng cả măng xông và măng sông, không coi dạng nào là sai:
* Tường nhà quét vôi xanh, gạch chỉ xanh, lại được ngọn đèn măng sông ánh sáng cũng xanh xanh. (Nguyễn Công Hoan, 2005:44)
* Tại một khúc vắng bên kia sông như thế, trong một căn chòi kín đáo có rất nhiều dừa nước bao quanh, Út Thêm và Hoàng đang ngồi cạnh nhau trong ánh sáng mờ mờ của một chiếc đèn măng sông treo ở ngoài hiên. (Chu Lai, 2008:159)
* Ngọn đèn măng sông treo lơ lửng ở trần nhà, gian giữa của ngôi trường ba gian, từng đàn mối bay vèo vèo quanh điểm sáng, rớt lả tả trên những cái ly, những đĩa kẹo và thuốc lá bày biện gọn ghẽ trên hai dãy bàn dài. (Nguyễn Ngọc Ngạn, 1994:154)
* Lấy cái đèn măng xông buồng bên mang sang đây đi, em! (Vũ Trọng Phụng, 2006s:561)
* Tuy chợ nhóm suốt đêm nhưng thắp sáng chủ yếu bằng đèn dầu, ngoại trừ một số sạp lớn thì có đèn măng-xông. (Võ Đắc Danh, 2008t:61)
* Người cầm đèn măng-xông trả lời gọn lỏn. (Nguyễn Tường Thiết, 2008:49)
Măng sông / măng xông là từ gốc Pháp (manchon). Đèn măng sông tiếng Pháp là lampe à manchon. Măng sông là tấm lưới dùng để bao quanh ngọn lửa đèn, chẳng những không bị cháy mà còn có tác dụng làm tăng độ sáng. Thứ lưới đặc biệt này được dệt bằng sợi gai, sợi bông hoặc sợi tơ nhân tạo visco, tẩm muối ni-trát tho-ri và ni-trát xê-ri.
Măng sông / măng xông là từ mượn âm cho nên viết cách nào tiện cho mình là được chứ cần gì phải bắt chước thật giống tiếng Pháp? Vả lại có ghi cách nào đúng được với âm gốc? Còn vì sao các nhà làm từ điển chọn măng sông mà không chọn măng xông thì đó lại là một chuyện khác.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét